ltkconcept > Tin tức > Top 15 nhà thiết kế nội thất nổi tiếng của thế kỷ XX

Top 15 nhà thiết kế nội thất nổi tiếng của thế kỷ XX

01/08/2024 - 1325 Lượt xem

Ở thế kỷ trước, ngành thiết kế nội thất thế giới đã sản sinh ra nhiều nhân tài. Họ đã để lại cho thế hệ sau nhiều di sản có giá trị. Hãy cùng điểm qua top 15 nhà thiết kế nội thất nổi tiếng của thế kỷ XX cùng những đóng góp của họ cho lĩnh vực nội thất.

1. Charles Rennie Mackintosh

1.1. Xuất thân

Charles Rennie Mackintosh sinh năm 1868 và mất năm 1928. Ông là kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất nổi tiếng kiêm họa sĩ màu nước vĩ đại người Scotland.

Ông sinh ra tại thành phố Glasgow của Scotland, là con thứ 4 trong gia đình có 7 người con. Cha ruột của ông là sĩ quan cảnh sát kiêm tổng thư ký Sở cảnh sát thành phố Glasgow.

Những năm cuối đời, Charles Rennie Mackintosh chuyển về sống ở London để chữa bệnh. Ông được chẩn đoán mắc ung thư lưỡi và ung thư vòm họng, sau đó qua đời tại một viện dưỡng lão ở London.

nhà thiết kế nội thất nổi tiếng Charles Rennie Mackintosh
Chân dung Charles Rennie Mackintosh.

1.2. Phong cách thiết kế và tầm ảnh hưởng

Charles Rennie Mackintosh là một trong số những gương mặt đi đầu trong phong trào nghệ thuật hiện đại. Ông theo đuổi phong cách thiết kế nội thất đơn giản, không cầu kỳ, rất phù hợp với thị hiếu đương đại.

Nhà thiết kế sinh năm 1868 có xu hướng cân bằng giữa tính ứng dụng thực tế với chất nghệ thuật hoa mỹ chịu ảnh hưởng từ kiến trúc Art Nouveau và kiến trúc châu Á. Nhờ đó, ông đã tạo nên những kiệt tác vừa đẹp vừa thiết thực.

Charles Rennie Mackintosh đã góp phần khai sinh ra phong cách thiết kế nội thất nổi tiếng mang tên Glasgow. Đặc trưng của phong cách này là các đường nét hình học mạnh mẽ cũng như sự tương phản giữa sáng và tối đậm nét. Không gian nội thất theo phong cách Glasgow thường đơn giản và mang hơi hướm nữ tính.

ghế Glasgow do Mackintosh thiết kế
Chiếc ghế theo phong cách Glasgow do Mackintosh thiết kế.

Sự hòa quyện hợp lý giữa vẻ đẹp nghệ thuật cầu kỳ, tỉ mỉ với vẻ đẹp ứng dụng đơn giản, chuẩn chỉ trong tác phẩm của Mackintosh vẫn còn ảnh hưởng sâu rộng đến nội thất ngày nay.

2. Frank Lloyd Wright

2.1. Xuất thân

“Thiên tài”, “Kẻ mộng mơ”, “Kiến trúc sư vĩ đại nhất mọi thời đại của nước Mỹ” là những mỹ từ mà báo giới dùng để ca ngợi Frank Lloyd Wright (1867-1959).

Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Mỹ kiểu mẫu với cha là nhà diễn thuyết và mẹ là nữ giáo viên có tâm hồn nghệ thuật bay bổng. Chính các bản vẽ kiến trúc và trò chơi xếp hình Foebel mà bà cho con chơi đã nuôi dưỡng giấc mơ trở thành kiến trúc sư đại tài của Frank Lloyd Wright.

2.2. Phong cách thiết kế và tầm ảnh hưởng

Ở Frank Lloyd Wright luôn ngập tràn quyết tâm và năng lượng, điều đó được bộc lộ trong những thiết kế táo bạo, đầy tính sáng tạo, không rập khuôn của ông. Ông gọi phong cách kiến trúc mà mình theo đuổi là “kiến trúc hữu cơ” – vì tự nhiên mà có và phục vụ tự nhiên.

nhà thiết kế nội thất nổi tiếng Frank Lloyd Wright
Frank Lloyd Wright được báo chí ca tụng bằng nhiều mỹ từ vì tài năng thiên bẩm về kiến trúc, nội thất.

Ông coi từng công trình kiến trúc và từng tác phẩm nội thất như thực thể sống có khả năng sinh trưởng. Điều này có nghĩa là ngoại hình và công dụng của chúng phải liên quan đến nhau, các bộ phận cần hòa hợp ăn khớp với nhau tạo nên một chỉnh thể hoàn hảo.

Vì có sự sống, cho nên chúng bắt nguồn từ mẹ thiên nhiên cũng như có liên hệ mật thiết với mẹ thiên nhiên. Dễ thấy chính cách nghĩ đó đã tạo nên những đường nét mềm mại, tự do, rất có hồn và sinh động trong tác phẩm của Wright.

Nội thất bên trong biệt thự Fallingwater do Wright thiết kế.
Nội thất bên trong biệt thự Fallingwater do Wright thiết kế.

Một số công trình tiêu biểu của Wright có thể kể đến là Biệt thư Fallingwater tại khu bảo tồn Bearun, Pennsylvania, Bảo tàng Guggenheim New York, Ngôi nhà nằm giữa rừng Taliesin, Wisconsin,…

Cho đến nay lý thuyết về “kiến trúc hữu cơ” của ông vẫn được nhiều nhà thiết kế tin tưởng áp dụng trong các tác phẩm của mình.

3. Le Corbusier

3.1. Xuất thân

Là một trong số những kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất nổi tiếng có tầm ảnh hưởng bậc nhất thế kỷ XX, Le Corbusier (1887-1965) sinh ra tại thành phố nhỏ La Chaux-de-Fonds, Thụy Sỹ.

Ngay từ nhỏ đã bộc lộ niềm đam mê với các cấu trúc hình học và cách ứng dụng kỹ thuật vào nghệ thuật. Ông từng đi du lịch khắp châu Âu, mang theo mình đam mê khám phá và sáng tạo, để kiến tạo được những tác phẩm tuyệt vời.

nhà thiết kế Le Corbusier
Le Corbusier nuôi dưỡng niềm đam mê với kiến trúc, nội thất từ nhỏ.

3.2. Phong cách thiết kế và tầm ảnh hưởng

Le Corbusier có một hệ thống gồm 5 luận điểm kiến trúc, nội thất nổi tiếng, có thể tóm gọn như sau:

  • Nhà trên cột hay nhà chọc trời, giải phóng không gian tầng một
  • Mái nhà bằng phẳng để tổ chức vườn trên mái
  • Mặt bằng tự do
  • Cửa sổ băng ngang chiếu sáng không gian phòng ốc
  • Mặt đứng (hay hệ mặt tiền) tự do

Nói đến Le Corbusier, không thể không kể đến biệt thự Savoye, công trình đầu tiên đáp ứng đầy đủ 5 luận điểm kiến trúc của chính ông.

Trong kho tàng tác phẩm của ông có rất nhiều căn biệt thự, nhà thờ ở Thụy Sỹ và Pháp như biệt thự Jeanneret tại quê nhà ông, Nhà Chúa Cứu Thế ở khu tị nạn Paris, nhà thờ Notre Dame du Haut ở Ronchamp,… Mỗi công trình đều đánh dấu sự trưởng thành theo thời gian trong phong cách thiết kế của ông.

Le Corbusier có câu nói về thiết kế nội thất nổi tiếng rằng: “Những chiếc ghế là kiến trúc, sofa là tư sản”. Đúng như câu nói của mình, ông thiết kế nhiều mẫu ghế sáng tạo và độc đáo đến đáng kinh ngạc. Nội thất do Le Corbusier thiết kế mang hơi hướng hiện đại, đơn giản nhưng mới lạ với những hình dáng sắc cạnh và gam màu trung tính.

Ghế LC2 kiểu dáng cổ điển cho Le Corbusier thiết kế.
Ghế LC2 kiểu dáng cổ điển cho Le Corbusier thiết kế.

4. Marcel Breuer

4.1. Xuất thân

Marcel Breuer (1902-1981) là kiến trúc sư kiêm nhà thiết kế nội thất nổi tiếng theo phong cách hiện đại người Hungary.

Breuer rời nhà năm 18 tuổi để theo học thiết kế và trở thành một trong số những sinh viên trẻ nhất của trường nghệ thuật và thủ công Bauhaus, sau này ngôi trường đã tạo nên hẳn một trào lưu nghệ thuật gọi là “phong trào Bauhaus”.

thiết kế nội thất nổi tiếng Marcel Breuer
Marcel Breuer theo đuổi phong cách thiết kế hiện đại, tinh tế.

4.2. Phong cách thiết kế và tầm ảnh hưởng

Thiết kế của Marcel Breuer phá vỡ những chuẩn tắc truyền thống, hướng đến tinh thần hiện đại với những đường nét và hình dáng hình học đơn giản, tinh tế mà phá cách. Cho đến nay những thiết kế này vẫn được áp dụng rộng rãi trong kiến trúc và nội thất.

Đặc biệt nhất, chiếc ghế Wassily của Breuer đã trở thành 1 trong số 10 chiếc ghế biểu tượng cho phong trào kiến trúc Bauhaus.

Ghế wassily - một biểu tượng của phong trào Bauhaus.
Ghế wassily – một biểu tượng của phong trào Bauhaus.

5. Charlotte Perriand

5.1. Xuất thân

Nữ kiến trúc sư người Pháp Charlotte Perriand (1903-1999) đã góp phần chứng minh cho cả thế giới thấy rằng phụ nữ cũng làm được những công việc tưởng chừng chỉ dành cho đàn ông.

nhà thiết kế nội thất nổi tiếng Charlotte Perriand
Charlotte Perriand là nhà thiết kế nội thất nổi tiếng nữ tiêu biểu của thế kỷ XX.

Cha mẹ bà là thợ may ở Paris và họ sớm phát hiện ra tài năng hội họa của cô con gái. Perriand cũng có 1 người thầy hướng dẫn vốn là nhà thiết kế thực nghiệm tài ba, tên là Henri Rapin. Chính ông đã nâng đỡ và chỉ dẫn cho bà nhiều điều về nghề kiến trúc.

5.2. Phong cách thiết kế và tầm ảnh hưởng

Charlotte Perriand cũng là một đại diện của phong trào kiến trúc hiện đại và đã từng làm việc cùng Le Corbusier. Thiết kế của bà mang đậm vẻ độc đáo, sáng tạo, ít kiểu cách mà trái lại vừa đơn giản, vừa sắc nét.

Những thiết kế của Charlotte Perriand đã truyền cảm hứng cho nhiều người say mê kiến trúc, nội thất. Đặc biệt, thành công của bà là nguồn động lực cho chị em phụ nữ – những người còn đang e ngại định kiến của xã hội – dám dấn thân và chinh phục lĩnh vực này.

phong cách thiết kế nội thất Charlotte Perriand
Phong cách thiết kế đơn giản và sắc nét của Charlotte Perriand thể hiện rõ trên chiếc giá sách màu trung tính.

6. Charles Eames và Ray Eames

6.1. Xuất thân

Kiến trúc sư Charles Eames (1907-1978) sinh ra ở St. Louis, bang Missouri nước Mỹ. Trong quãng đời trung học, Charles đi làm thêm bán thời gian cho công ty Laclede Steel, ở đây ông bắt đầu làm quen với nghề cơ khí, vẽ kỹ thuật và kiến trúc.

Charles từng giành được học bổng của trường đại học Kiến trúc Washington tại quê nhà, nhưng đã bỏ học sau 2 năm. Về sau Charles trải qua hai đời vợ, người vợ thứ hai Ray Eames cũng là kiến trúc sư đại tài.

Về phần Ray Eames (1912-1988), bà sinh ra tại Sacramento, bang California. Năm 1933, Ray tốt nghiệp trường cao đẳng Bennett tại Millbrook, New York và chuyển tới đây sinh sống. Bà gặp chồng là Charles khi đang theo học tại học viện Nghệ thuật Cranbrook tại Bloomfield Hills, Michigan, sau đó họ kết hôn.

Vợ chồng nhà thiết kế Charles và Ray Eames.
Vợ chồng Charles và Ray Eames.

6.2. Phong cách thiết kế và tầm ảnh hưởng

Nói đến phong cách nội thất hiện đại, các “tín đồ” yêu cái đẹp sẽ nghĩ ngay đến hai vợ chồng Eames. Tác phẩm của họ thường tuân thủ tinh thần hiện đại, đa dạng về nguyên liệu, vừa tinh tế vừa tạo được sự thoải mái cho người sử dụng.

Một số mẫu nội thất tiêu biểu có thể kể đến của cặp đôi: Eames Lounge Chair & Ottoman (ghế đi văng và ghế đệm Eames), Eames Lounge Chair Wood (ghế tựa gỗ Eames), Eames Wire Chair (ghế phối lưới Eames),…

Ghế đi văng và ghế đệm Eames.
Ghế đi văng và ghế đệm Eames.

7. Arne Jacobsen

7.1. Xuất thân

Kiến trúc sư kiêm nhà thiết kế nội thất nổi tiếng hàng đầu của Đan Mạch, người tiên phong cho phong cách tối giản – Arne Jacobsen (1902-1971) – sinh ra và lớn lên tại thủ đô Copenhagen.

Ông từng học nghề thợ nề trước khi trúng tuyển vào Học viện nghệ thuật Hoàng gia. Khoảng thời gian đó giúp ông thấm nhuần tình yêu với vật liệu, điều đó trở thành thế mạnh của Arne Jacobsen, thể hiện trong các tác phẩm sau này.

thiết kế nội thất nổi tiếng Arne Jacobsen.
Chân dung Arne Jacobsen.

7.2. Phong cách thiết kế và tầm ảnh hưởng

Arne Jacobsen được biết đến nhiều nhất nhờ vào các thiết kế đơn giản, thanh lịch và có tính ứng dụng cao. Có thể kể đến một số tác phẩm nội thất đã làm nên tên tuổi của Jacobsen như: Ghế Trứng, Ghế Thiên Nga, Ghế hoa loa kèn,…

Ông được vua Thụy Điển trao Huân chương Hoàng tử Eugen cho “thành tựu nghệ thuật xuất sắc”. Ngoài ra, Arne Jacobsen còn giành Huân chương C.F. Hansen của Học viện Mỹ thuật Hoàng gia Đan Mạch dành cho những kiến trúc sư Đan Mạch có công trình kiến trúc xuất sắc.

8. Philippe Starck

8.1. Xuất thân

Philippe Starck (sinh năm 1949) có thể là một nhà thiết kế, kiến trúc sư bậc thầy trong mắt người khác. Nhưng với chính mình, ông luôn chỉ là một gã mộng mơ mải miết lang thang trong thế giới của sự sáng tạo.

Philippe Starck được thừa hưởng tài năng từ người cha vốn là một nhà thiết kế máy bay nên từ nhỏ, ông đã bộc lộ năng khiếu sáng tạo. Nhà thiết kế đại tài có công ty triêng từ năm 19 tuổi và không ngừng phát triển trong lĩnh vực nội thất, kiến trúc.

thiết kế nội thất Philippe Starck
Philippe Starck có công ty thiết kế riêng từ năm 19 tuổi.

8.2. Phong cách thiết kế và tầm ảnh hưởng

Philippe Starck là nhà thiết kế nổi thất nổi tiếng với nguyên tắc: vật chất ít đi, công năng nhiều hơn. Cũng vì vậy mà ông trở thành một trong những người tiên phong và được xem là hình mẫu trung tâm của khái niệm “thiết kế dân chủ”.

Những công trình do Starck thiết kế luôn mang một điểm chung, đó là có mối liên hệ mật thiết với những yếu tố tạo nên linh hồn của đồ vật. Ông không ngừng mở rộng bộ óc sáng tạo, tìm cách làm mới những đồ vật thường ngày, tìm kiếm sự mới mẻ trong từng chi tiết nhỏ nhặt và quen thuộc nhất.

Thiết kế ghế Mademoiselle.
Thiết kế ghế Mademoiselle.

Cũng bởi vậy mà nhắc đến Philippe Starck, người ta thường nhắc đến các món đồ nội thất tưởng như gần gũi nhưng hóa ra lại đầy mới lạ: Ghế Mademoiselle, ghế La Marie, “Chiếc thùng của Starck” (sản phẩm kết hợp giữa bồn rửa tay và các ngăn kệ chứa đồ dùng, với hình dáng bên ngoài là thùng nước kiểu cổ),…

9. Florence Knoll Bassett

9.1. Xuất thân

Nhà thiết kế nữ Florence Knoll Bassett (1917-2019) không may mắn có được tuổi thơ đầy đủ như bao người do cả cha mẹ lẫn anh trai đều mất sớm. Ký ức sâu đậm nhất của bà về người cha quá cố chỉ là những bản vẽ thiết kế trên bàn làm việc.

thiết kế nội thất nổi tiếng Florence Knoll Bassett
Florence Knoll Bassett nuôi dưỡng tình yêu thiết kế từ những bản vẽ của người cha quá cố.

9.2. Phong cách thiết kế và tầm ảnh hưởng

Nhưng như chính Florence Knoll Bassett kể lại, chừng đó thôi đã đủ để nhen nhóm niềm đam mê trong trái tim cô nhóc yêu nghệ thuật. Bà lớn lên với đam mê thiết kế và trở thành một người phụ nữ có tiếng nói trong lĩnh vực mình theo đuổi.

Chính bà và chồng mình là những người đã mang phong cách thiết kế nội thất nổi tiếng châu Âu đến với đất Mỹ. Cũng chính bà là người đi tiên phong cho thiết kế văn phòng hiện đại với không gian mở. Cho đến nay các thiết kế của Florence Knoll Bassett  vẫn giữ nguyên độ phổ biến trong văn phòng, nhà ở và các không gian công cộng.

Thiết kế nội thất tinh tế của Florence Knoll Bassett.
Thiết kế nội thất tinh tế của Florence Knoll Bassett.

Năm 1961, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên nhận được Huy chương Vàng về Thiết kế Công nghiệp từ Viện Kiến trúc sư Hoa Kỳ.

Ngoài ra, Florence Knoll Bassett còn là người phụ nữ đầu tiên giành được Huy chương Mỹ thuật Công nghiệp. Bà cũng giành được Huy chương Nghệ thuật Quốc gia, giải thưởng cao nhất do chính phủ Hoa Kỳ trao cho các nghệ sĩ vào năm 2002.

10. Ludwig Mies van der Rohe

10.1. Xuất thân

Tác giả của câu châm ngôn nổi tiếng “Less is more” (Ít là nhiều) được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực kiến trúc và nội thất không ai khác chính là Ludwig Mies van der Rohe (1886-1969). Ông được xem như cha đẻ của phong cách kiến trúc tối giản (Minimalism).

Ludwig Mies van der Rohe
Ludwig Mies van der Rohe là tác giả của câu châm ngôn nổi tiếng “Less is more”.

Ludwig Mies van der Rohe là con trai một người thợ thủ công. Xuất thân này đã ít nhiều ảnh hưởng đến quan điểm thực hành kiến trúc của ông sau này.

Sống trong giai đoạn lịch sử đầy biến động, từng làm việc ở văn phòng thiết kế của Bruno Paul và xưởng thiết kế của Peter Behrens, Ludwig Mies van der Rohe thấm nhuần sự phát triển của văn hóa Đức cũng như lý thuyết thiết kế thời bấy giờ.

10.2. Phong cách thiết kế và tầm ảnh hưởng

Mies van der Rohe ưa chuộng những không gian trong sạch, đơn giản nhưng phải tinh tế và có trật tự. Thiết kế nội thất nổi tiếng của ông vì vậy cũng rất gọn gàng, tiện dụng và vô cùng trang nhã. Các tác phẩm nội thất hòa quyện, hài hòa với không gian chung tạo nên một tổng thể ngăn nắp, trật tự được sắp xếp có chủ đích.

Ghế Barcelona do Mies van der Rohe thiết kế
Ghế Barcelona do Mies van der Rohe thiết kế nằm trong Nhà trưng bày nghệ thuật quốc gia ở Berlin, Đức.

Mies van der Rohe là người thực hiện các công trình nổi tiếng như Nhà trưng bày nghệ thuật quốc gia ở Berlin – Đức, Nhà tưởng niệm, Đại học Drake, Des Moines, Iowa – Mỹ… Một số mẫu nội thất nổi tiếng của ông là bàn ghế Barcelona và ghế Brno.

11. Oscar Niemeyer

11.1. Xuất thân

Oscar Niemeyer (1907-2012) là kiến trúc sư nổi tiếng người Brazil. Ông được coi là một trong những gương mặt quan trọng nhất của trào lưu kiến trúc hiện đại thế kỷ 20.

Oscar Niemeyer sinh ra tại thành phố Rio de Janeiro và đã lớn lên phóng túng, tự do giống như bao nhiêu cô cậu nhóc đồng trang lứa khác ở Brazil, lang thang khắp những con phố dưới ánh nắng Nam Mỹ.

Các công trình kiến trúc của ông có lẽ cũng vì vậy mà mang vẻ đẹp độc đáo, phóng khoáng với những đường cong bằng khối bê tông và kính khó có thể diễn tả bằng lời.

thiết kế nội thất nổi tiếng Oscar Niemeyer.
Chân dung nhà thiết kế nội thất nổi tiếng tiêu biểu của Brazil – Oscar Niemeyer.

11.2. Phong cách thiết kế và tầm ảnh hưởng

Thiết kế nội thất của Oscar Niemeyer phản ánh tư duy kiến trúc của ông, với những đường lượn sóng và nét cong thanh tú, hình dáng đậm chất Brazil. Dường như đường cong là nỗi ám ảnh với Niemeyer, đến mức ông không chỉ đưa chúng vào các tác phẩm của mình mà còn dùng những lời lẽ hoa mỹ nhất để khen tặng.

Ghế tựa Alta (Alta Lounge Chair) của Oscar Niemeyer. 
Ghế tựa Alta (Alta Lounge Chair) của Oscar Niemeyer. 

Oscar Niemeyer là tác giả của tòa Trụ sở quốc hội Brazil, Trụ sở hội đồng Liên Hợp Quốc tại Mỹ, Bảo tàng nghệ thuật đương đại Niterói và nhiều công trình kiến trúc, nội thất tuyệt đẹp khác. Những kiệt tác này khiến cho không ít người yêu nghệ thuật đắm say, ảnh hưởng không nhỏ đến phong cách một bộ phận nhà thiết kế sau này.

12. Mario bellini

12.1. Xuất thân

Sinh năm 1935 tại Milan, Mario Bellini dành phần lớn cuộc đời mình để sống và làm việc tại quê nhà. Ngay từ khi còn nhỏ ông đã đam mê vẽ vời, luôn cầm theo cây bút chì trên tay và vẽ mọi nơi, mọi lúc. Ông đặc biệt thích tìm tòi về các loại vật liệu, vật dụng và coi tính tò mò là yếu tố giúp con người sáng tạo.

nhà thiết kế nội thất Mario Bellini
Mario Bellini xem tính tò mò là yếu tố quan trọng cho sự sáng tạo.

12.2. Phong cách thiết kế và tầm ảnh hưởng

Với Mario bellini, chơi đùa và làm việc không hề tách rời, chỉ cần có sự sáng tạo thì làm gì cũng là làm việc. Chính vì vậy mà các tác phẩm nổi tiếng của ông thường rất phóng khoáng, tự do, không có một khuôn khổ nào. 

Một số thiết kế nội thất nổi tiếng thể hiện rõ điều đó có thể kể đến ghế sofa Camaleonda, bàn cà phê Hypertable, ghế sofa Le Bambole,…

Ghế sofa Le Bambole của Mario Bellini.
Ghế sofa Le Bambole của Mario Bellini.

Mario Bellini nắm trong tay vô số giải thưởng danh giá trong đó có 8 giải Compa vàng (Compasso d’Oro) và các giải thưởng kiến trúc uy tín như giải Mề Đay Vàng (The Medaglia d’Oro) được trao tặng bởi chính Thủ tướng của nước Cộng hòa Ý.

13. Grant Featherston

13.1. Xuất thân

“Gần như bất cứ ai sống ở Úc cũng từng ngồi trên chiếc ghế Featherston ít nhất 1 lần trong đời” – đó là nhận xét của một tác giả sách dành cho chiếc ghế mà Grant Featherston (1922-1995) thiết kế.

Grant Featherston: nhà thiết kế nội thất nổi tiếng nước úc
Grant Featherston là niềm tự hào của ngành thiết kế nội thất nước Úc.

Sinh ra trong một gia đình công nhân ở miền Đông Nam nước Úc, từ nhỏ Featherston đã hứng thú với thiên nhiên. Hình dáng hữu cơ của chúng trở thành nguồn cảm hứng bất tận suốt cuộc đời nhà thiết kế.

13.2. Phong cách thiết kế và tầm ảnh hưởng

Thiết kế nổi tiếng nhất của Grant Featherston là chiếc ghế tựa Contour, được ông nghĩ ra sau khi tình cờ gập đôi một tờ vé xe điện. Rất nhiều thiết kế của Grant Featherston, bao gồm ghế ăn và ghế xích đu, tất cả đều được làm thuận theo hình dáng tự nhiên của con người và giúp người sử dụng thoải mái nhất có thể.

Ghế tựa Contour quen thuộc.
Ghế tựa Contour quen thuộc.

Thiết kế của Featherston có tính thời đại, đến nay vẫn không hề lỗi thời và được sử dụng rộng rãi khắp thế giới. Ông đã trở thành cái tên không thể thiếu trong danh sách những nhà thiết kế tiêu biểu của thế kỷ XX.

14. Greta Grossman

14.1. Xuất thân

Greta Grossman (1906-1999) là một trong số ít những nữ nhà thiết kế nội thất nổi tiếng kiêm kiến trúc sư xuất chúng của thế kỷ XX. Bà sinh ra trong một gia đình thợ làm tủ ở Thụy Điển, do vậy từ nhỏ đã được tiếp xúc với công việc thiết kế nội thất.

Năm 1933, Grossman giành giải nhì hạng mục “nội thất tổ hợp” trong một cuộc thi do Hiệp hội Nghề thủ công Thụy Điển tổ chức và trở thành người phụ nữ đầu tiên đoạt giải này.

Chân dung nhà thiết kế nội thất Greta Grossman.
Chân dung Greta Grossman.

14.2. Phong cách thiết kế và tầm ảnh hưởng

Greta Grossman là đại diện tiêu biểu của phong cách kiến trúc hiện đại Los Angeles. Thiết kế của bà thường sử dụng những đường nét và hình dáng đơn giản, màu sắc trung tính cơ bản, mang đậm dáng vẻ hiện đại tiện dụng nhưng vẫn có sự mới mẻ.

phong cách thiết kế nội thất Greta Grossman.
Thiết kế đơn giản mà tinh tế của Greta Grossman.

Cái mới mẻ trong thiết kế của Greta Grossman thể hiện ở sự kết hợp màu sắc hợp lý tạo sự bắt mắt và những đường nét uyển chuyển. Cho đến nay, những tác phẩm và phong cách của nhà thiết kế người Thụy Điển vẫn được ứng dụng trong văn phòng và nhà ở.